Tin Hoạt động Công ty
Bảo vệ trái tim Dung Quất
Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất được ví là trái tim của Khu Kinh tế Dung Quất. Đây là một trong những công trình đứng đầu trong danh mục các công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Vì vậy, việc bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho nhà máy là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng…

Thủ tướng cũng không ngoại lệ

Trong đợt thăm và kiểm tra Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), đơn vị quản lý NMLD Dung Quất mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác của Chính phủ, đều lên chiếc xe ca do công ty chuẩn bị sẵn vào khu vực quan sát toàn cảnh nhà máy.

Đã có người hỏi rằng, sao lại để Thủ tướng ngồi xe chung? Bản thân người viết bài này cũng cảm thấy áy náy, muốn hỏi cho ra nhẽ. Nhưng lúc đó xe chở Thủ tướng và đoàn công tác đã chuyển bánh, chiếc xe chở cánh phóng viên cũng bám theo ngay, nên chẳng biết hỏi ai. Mấy ngày sau, khi có điều kiện, hỏi các anh ở Phòng An toàn của BSR mới biết, vào khu vực nhà máy phải có xe chuyên biệt.

Tất cả các phương tiện cơ giới muốn hoạt động trong nhà máy phải được sự cho phép, bảo đảm an toàn tuyệt đối về mặt kỹ thuật chống cháy. Các phương tiện ấy đều phải lắp thiết bị chống tia lửa vào ống xả khói, nghiêm cấm tất cả các thiết bị tạo lửa, vật liệu dễ cháy trong khu vực nhà máy…Vậy là đã rõ, vì sự an toàn tuyệt đối, khi vào nhà máy, cả Thủ tướng cũng không có ngoại lệ.

NMLD Dung Quất, được Chính phủ phê duyệt là công trình được bảo vệ thuộc cấp độ cao nhất của quốc gia. Tức là mức độ bảo đảm an ninh, an toàn thuộc loại nghiêm ngặt vào bậc nhất. Tất cả các quy định nhất nhất theo nguyên tắc “cứng nhắc”, bất di bất dịch. Ở lĩnh vực nào đó, sự “cứng nhắc” gây ra phiền toái, phản cảm, thậm chí là “lỡ việc”… Song sự “cứng nhắc” ở NMLD Dung Quất là điều kiện bắt buộc không thể thiếu, dù là chi tiết nhỏ nhất.

Thử hình dung, NMLD Dung Quất bao gồm 14 phân xưởng công nghệ, hệ thống 8 bồn chứa sản phẩm, 10 phân xưởng phụ trợ, 8 phân xưởng ngoại vi, hệ thống bồn chứa dầu thô, bồn trung chuyển, trải rộng trên diện tích khoảng 345ha. Ngoài ra còn có Nhà máy Sản xuất polypropylene; hệ thống đường ống vận chuyển sản phẩm, với chiều dài hơn 7km từ nhà máy đến cảng xuất hàng đường biển. Hệ thống cảng xuất sản phẩm với cụm kho hàng, tổng trạm trung chuyển, với hàng trăm lượt mỗi tháng.

Đặc biệt, khu vực phao rót dầu không bến (SPM), một hạng mục quan trọng nằm cách đất liền gần 10 hải lý. Nếu tính toàn bộ phạm vi bảo vệ cả trên đất liền và mặt nước không phải là 810ha, mà phải đến hàng ngàn ha. Với một hệ thống phức hợp trải rộng cả trên đất liền, trên biển như vậy. NMLD Dung Quất chính là công trình quan trọng bậc nhất của ngành Dầu khí Việt Nam hiện nay. Nếu không có những quy định nghiêm ngặt, chỉ một sơ sẩy nhỏ là gây ra hậu quả khôn lường.
Lực lượng bảo vệ phối hợp với cảnh sát cơ động tuần tra bảo vệ nhà máy
Lực lượng bảo vệ phối hợp với cảnh sát cơ động tuần tra bảo vệ Nhà máy 
Lực lượng bảo vệ chính của nhà máy gồm gần 200 cán bộ, nhân viên - những “vệ sĩ chuyên nghiệp” của Công ty Cổ phần dịch vụ Bảo vệ An ninh Dầu khí - Chi nhánh Miền Trung (PVSecurity Miền Trung). Họ đảm nhiệm tất cả các khâu, từ vòng ngoài, đến vòng trong. Nhân sự, phương tiện vào được nhà máy đều phải trải qua ba vòng kiểm tra gồm: máy quét từ; máy soi X-quang; và sự kiểm tra trực tiếp của các nhân viên PVSecurity Miền Trung.
 
Từ 10-9-2013, lực lượng bảo vệ NMLD Dung Quất có thêm 27 cán bộ, chiến sĩ thuộc Đội Cảnh sát bảo vệ mục tiêu - Phòng Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động Công an tỉnh Quảng Ngãi. Đây là lực lượng Cảnh sát vũ trang chuyên trách, thực hiện nhiệm vụ 24/24 giờ tại 8 vọng gác xung quanh nhà máy. Cùng với đó, còn có đội tuần tra trên biển của Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi.

Ngoài việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi buôn bán, trao đổi trái phép dầu thô và các sản phẩm xăng, dầu tại khu vực cảng xuất sản phẩm của NMLD Dung Quất. Đội tuần tra bằng phương tiện thủy còn có nhiệm vụ vô cùng quan trọng là bảo vệ khu vực cảng nhập dầu thô SPM; cảng xuất sản phẩm, tuyến ống dẫn dầu thô, tuyến ống dẫn nước biển của NMLD Dung Quất, ngăn chặn, xử lý các trường hợp người, phương tiện gây mất an ninh, an toàn các công trình trên biển.

NMLD Dung Quất - trái tim của Khu Kinh tế Dung Quất đã và đang được bảo vệ nghiêm ngặt như vậy.

Một mét đất, một hành vi đều được giám sát

Không hề quá khi nói như vậy. Còn nhớ, vào tháng 8-2012 chúng tôi có cuộc trao đổi với lãnh đạo PVSecurity Miền Trung. Khi mà các anh vừa trải qua 2 tháng làm công tác bảo vệ đặc biệt, lúc NMLD Dung Quất dừng sản xuất để bảo dưỡng tổng thể theo định kỳ. Đây là thời điểm mà PVSecurity Miền Trung phải huy động nhân sự gấp đôi so với giai đoạn bình thường.

Sở dĩ phải tăng cường nhân lực gấp đôi, vì khi đó nhân sự nhà máy có hàng ngàn chuyên gia, với nhiều quốc tịch khác nhau của các nhà thầu tham gia bảo dưỡng. Rồi vật tư, thiết bị, rồi phương tiện vào, ra… Nói như anh Nguyễn Viết Thanh, Tổ trưởng thuộc Đội Tuần tra cơ động: Trong suốt quá trình bảo dưỡng nhà máy, tất cả các yếu tố gây hại đều phải phát hiện và ngăn chặn. Từ tàu thuyền hoạt động ngoài biển, con mắt người bảo vệ phải biết phát hiện những dấu hiệu bất thường, đến con người vào ra nhà máy cũng phải kiểm tra hết sức chặt chẽ, ngăn ngừa từ chiếc bật lửa mang theo, kiểm tra từ bao thuốc… Tóm lại, công tác kiểm tra, kiểm soát là để phát hiện ngăn chặn tất cả những yếu tố gây mất an toàn.

Thời gian ấy, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi chưa chính thức tham gia công tác bảo vệ “mục tiêu” của NMLD Dung Quất trên biển, lực lượng chính vẫn do PVSecurity Miền Trung đảm nhiệm. Phao rót dầu không bến SPM, chính là “đầu nối” dầu thô từ tàu chở dầu vào nhà máy. Cách đất liền gần 10 hải lý, lại có vai trò quan trọng quyết định để vận hành nhà máy, nên tại đây PVSecurity Miền Trung phải cử hẳn một tàu kèm theo lực lượng, túc trực 24/24 giờ làm nhiệm vụ bảo vệ.
 
Gọi là lực lượng, nhưng thực ra chỉ có 6 nhân sự. Với một con tàu và 6 con người, làm sao quan sát và xử lý được những tình huống xảy ra, để bảo đảm an toàn tuyệt đối với toàn bộ khu vực rót dầu không bến SPM và cảng xuất hàng. Xin thưa ngay, dù lực lượng mỏng, nhưng tất cả các di biến động xung quanh khu vực đều được giám sát chặt chẽ bằng một hệ thống chốt ở các điểm cao trên bờ, với trang bị camera đặc chủng, có tầm quan sát ghi hình ở cự lý 50km. Mọi tín hiệu thu được từ camera được phân tích kịp thời và báo ngay cho lực lượng chốt trên biển. Chỉ trong năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012, gần 60 vụ tàu lạ xâm nhập đã được phát hiện và ngăn chặn kịp thời.

Trên biển thì như vậy, công tác bảo vệ nhà máy trên đất liền thì sao! Nếu đi bằng xe gắn máy, hoặc ôtô vòng quanh nhà máy, phải mất hơn 2 giờ đồng hồ. Một khu vực có chu vi rộng như vậy, nhưng các anh lãnh đạo PVSecurity Miền Trung khẳng định: một mét đất, một hành vi diễn ra ở bất cứ nơi nào xung quanh nhà máy cũng đều được giám sát chặt chẽ. Đây là sự thật, chứ hoàn toàn không “nói quá” lên cho oai.

Tại khu vực hàng rào (vòng ngoài cùng của nhà máy) được lắp đặt một hệ thống báo động chuyên biệt. Hệ thống này có nhiệm vụ “nhận dạng” sự xâm nhập ban đầu. Tất cả các hành vi xâm nhập (dù là người, hay là thú hoang) đều tự động chuyển đến các chốt trực ở từng khu vực. Khi nhận được “tín hiệu” báo động, các chốt trực dùng camera giám sát “lùng sục” các hành động xâm nhập. Tất cả hình ảnh, dữ liệu được truyền trực tiếp đến trung tâm chỉ huy để quyết định các phương án xử lý.

Ngoài hệ thống báo động, còn có hệ thống camera đặc chủng, được lắp đặt khép kín, hoạt động 24/24 giờ, hệ thống camera này quét không sót bất cứ một mét đất nào tại khu vực vành đai và hàng rào xung quanh nhà máy. Cuối cùng là các trạm quan sát, chòi canh được bố trí tại các điểm cao, có tầm quan sát rộng và nhân viên bảo vệ làm nhiệm vụ liên tục ngày, đêm. Ngoài ra còn có lực lượng tuần tra cơ động, với một đội cảnh khuyển được huấn luyện tinh nhuệ…

Với một hệ thống bảo vệ chuyên nghiệp và chặt chẽ như vậy, lực lượng bảo vệ của PVSecurity Miền Trung đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời nhiều vụ người dân địa phương đốt rẫy gần khu vực hành lang tuyến đường ống dẫn sản phẩm và bể chứa sản phẩm. Đã cùng với cơ quan chức năng của địa phương và Ban An toàn của nhà máy tổ chức dập tắt hàng chục vụ cháy từ những hành vi trên, bảo đảm an toàn tuyệt đối ngay từ vòng ngoài cùng của NMLD Dung Quất.

Lũy thép lòng dân

Đến thời điểm hiện nay, công tác bảo vệ an ninh, an toàn cho NMLD Dung Quất, ngoài lực lượng chuyên nghiệp của PVSecurity miền Trung. Còn có sự tham gia của Công an, Biên phòng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi.

Ngoài việc ký kết quy chế phối hợp giữa BSR với các lực lượng trên, BSR còn phối hợp với lực lượng chức năng địa phương thường xuyên tổ chức các cuộc diễn tập như: diễn tập chống khủng bố; diễn tập chữa cháy; diễn tập chống bạo loạn; diễn tập thực binh; diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu…

Hoặc là cùng phối hợp cùng công an, quân sự tổ chức; hoặc là tự tổ chức; bình quân mỗi năm BSR tổ chức đến 60 cuộc diễn tập lớn, nhỏ. Thông qua các cuộc diễn tập như vậy, BSR đã nâng cao nhận thức, kỹ năng xử lý tình huống cho cán bộ, công nhân viên. Các phương án ứng phó với sự cố khẩn cấp tại các phân xưởng của nhà máy nhờ vậy được thục luyện và thực tế đã xử lý thành công nhiều sự cố xảy ra.



Diễn tập chữa cháy ở nhà máy Lọc dầu Dung Quất
 
Xác định công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) là công việc được ưu tiên hàng đầu. BSR đã quyết liệt triển khai và tổ chức thực hiện tốt các công việc như: bố trí cán bộ thường xuyên giám sát việc thực hiện các nội quy, quy định về PCCC; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nội quy, quy định về an toàn PCCC; tổ chức quán triệt toàn thể CBCNV các chính sách, yêu cầu của Luật PCCC, nâng cao ý thức của CBCNV về an toàn PCCC; xây dựng các quy trình ứng phó với tình huống khẩn cấp, quy trình phối hợp xử lý các tình huống cháy nổ tại các khu vực của nhà máy…

Ngoài ra BSR còn đầu tư 4 xe chữa cháy chuyên dụng, trang bị đầy đủ các thiết bị đặc biệt cho đội ứng cứu các sự cố khẩn cấp như quần áo chịu nhiệt, bình khí thở SCBA, máy đo khí… Hằng năm, công ty luôn cấp đầy đủ kinh phí cho việc trang bị bổ sung thiết bị PCCC dự phòng, bảo dưỡng hệ thống PCCC, đào tạo và huấn luyện PCCC… theo đúng quy định của Pháp luật về PCCC.

Tại thời điểm này BSR có đội PCCC kiêm nhiệm tại các khu vực sản xuất với hơn 160 chiến sĩ, là CBCNV đang trực tiếp vận hành và bảo dưỡng nhà máy. Tất cả các nhân sự này đều được Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (cứu nạn cứu hộ) Công an tỉnh Quảng Ngãi đào tạo, huấn luyện và cấp chứng chỉ theo quy định.

Cuối năm 2015 vừa qua, lãnh đạo BSR và Ban Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp đảm bảo an ninh, trật tự và sơ kết 2 năm triển khai Lực lượng Cảnh sát vũ trang bảo vệ NMLD Dung Quất.

Đại tá Ngô Thanh Trang, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi khẳng định: Từ tháng 10-2010 đến tháng 10-2015 các lực lượng chức năng đã quán triệt, triển khai hiệu quả nhiều biện pháp phòng ngừa nhằm phát hiện và đấu tranh với các loại tội phạm; góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia của cán bộ, đảng viên và nhân dân, huy động cả hệ thống chính trị đối với công tác bảo vệ NMLD Dung Quất. An ninh trật tự trong khu vực và tại NMLD Dung Quất đã được đảm bảo an toàn, ổn định; tạo điều kiện thuận lợi để NMLD Dung Quất nói riêng, của BSR nói chung, tổ chức sản xuất - kinh doanh hiệu quả.

Lực lượng Cảnh sát vũ trang bảo vệ NMLD Dung Quất đã thực hiện canh gác 24/24 giờ tại 8 chốt với 2.756 ca trực, 20.180 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia. Trong giai đoạn bảo dưỡng tổng thể nhà máy lần thứ II, Trung đội Cảnh sát bảo vệ đã tổ chức 378 ca vũ trang canh gác bảo vệ, với 3.556 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia; phối hợp kiểm tra, kiểm soát 1.300 lượt xe xuất vật tư ra cổng và 2.000 lượt xe nhập vật tư, 57 lượt tàu, 48 lượt xe xuất sản phẩm hạt nhựa và gần 1.300 lượt xe bồn vào nhận sản phẩm tại nhà máy.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Lê Viết Chữ, đã nhiều lần khẳng định: NMLD Dung Quất, không chỉ là tài sản của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, mà còn là tài sản của chính Quảng Ngãi. Công tác bảo vệ bằng lực lượng chuyên nghiệp là hết sức cần thiết, nhưng dù có chuyên nghiệp đông đảo đến đâu, cũng không thể bằng “lũy thép” lòng dân. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã huy động cả hệ thống chính trị cùng chung sức bảo vệ an ninh, an toàn cho nhà máy.

Và “lũy thép” lòng dân được xây dựng bằng chính ý thức người dân. Trái tim Dung Quất được chính nhân dân Quảng Ngãi, nhân dân huyện Bình Sơn bao bọc, chở che, mạnh mẽ nhịp đập trong sự bình yên của vùng quê giàu truyền thống cách mạng và khát vọng vươn tới.


Theo Đặng Trung Hội -  Báo Petrotimes